Opera của Việt Nam Opera_tại_Việt_Nam

Lịch sử

Cụm từ "opera của Việt Nam" được một số nguồn nghiên cứu nhắc đến là nghệ thuật hát tuồng, một loại hình nhạc kịch dân gian lâu đời của Việt Nam.[8][9] Cũng có nguồn nghiên cứu khác đưa ra thông tin liên quan đến "soap opera" tại Việt Nam, một khái niệm chỉ kịch xà phòng.[10] Tuy vậy, xét theo đúng nghĩa loại hình nghệ thuật nhạc kịch của phương Tây, opera của Việt Nam chỉ mới ra đời vào thế kỷ 20 trong khoảng thời gian kết hợp giữa hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh.[1] Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Tú Ngọc, yếu tố nội sinh được cho là đến từ sự tích luỹ về khát vọng, kinh nghiệm của những nhạc sĩ đối với những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực ca cảnh, ca kịch từ những giai đoạn trước. Yếu tố ngoại sinh đến từ mẫu hình kịch hát cổ điển châu Âu được phổ biến tại quốc gia này nửa sau thế kỷ 20.[1]

Sự hiện diện của những vở kịch nước ngoài trên sàn diễn Việt Nam và do các nghệ sĩ Việt Nam dàn dựng, biểu diễn chỉ là nhân tố kích thích, trong khi sự rèn luyện kỹ năng, lĩnh hội tri thức nghề nghiệp của nhạc sĩ đối với thể loại này mới mang lại ý nghĩa quan trọng cho sự ra đời của opera Việt Nam.[1] Theo đó, opera Việt Nam được xem là sản phẩm của người Việt được tiếp thu từ tinh hoa âm nhạc nói chung và nghệ thuật opera nói riêng của châu Âu trên cơ sở nền tảng âm nhạc truyền thống.[4] Với vở ca kịch đầu tiên là "Tục lụy" sáng tác năm 1943 của Lưu Hữu Phước, ca kịch và ca cảnh đã phát triển phong phú hơn ở các thời kỳ chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Việt Nam và có ảnh hưởng đến sự ra đời của opera Việt Nam. Qua ca cảnh và ca kịch, các nhạc sĩ Việt Nam đã được rèn luyện viết âm nhạc sân khấu theo phong cách phương Tây trước khi đến với thể loại opera.[4]

Năm 1965, vở opera đầu tiên của Việt Nam – "Cô Sao" của Đỗ Nhuận đã được dàn dựng và biểu diễn, đánh dấu sự ra đời của opera Việt Nam.[11] Qua đó, Đỗ Nhuận đã đóng vai trò đặc biệt và có vị trí lớn trong sự khởi đầu của loại hình nghệ thuật tổng hợp này tại Việt Nam.[12][13] Cô Sao, về sau còn được đổi thành A Sao,[14] được ra mắt công chúng lần đầu vào ngày 2 tháng 9, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tham gia vở diễn là dàn nghệ sĩ đáng chú ý của nền thanh nhạc Việt Nam lúc bấy giờ như Quý Dương, Ngọc Dậu, Trung Kiên, Quang Hưng[15] Đã có một số tham luận, bài viết liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật opera Việt Nam như tham luận hội thảo Khoa Thanh Nhạc 30 Năm (năm 1986) của Trung Kiên. Cùng năm, ông cũng có tên trong một bài tham luận khác có khuôn khổ lớn và bao quát rộng hơn mang tên "Những bước phát triển của 3 dòng ca há" tại khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động ngành ca múa nhạc.[16]

Tuy nhiên sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, sân khấu nhạc mới chuyển dần sang xu hướng kịch hát khiến cho các sáng tác opera hầu như biến mất trong khoảng thời gian dài. Nguyên nhân được cho là do hoàn cảnh lịch sử xã hội thay đổi dẫn đến thay đổi quan điểm sáng tác. Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là việc đầu tư cho opera rất tốn kém bởi tính "đồ sộ" của một vở diễn.[4]

Đặc tính

Nội dung các vở opera Việt Nam chủ yếu đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa to lớn đối với vận mệnh của toàn thể dân tộc như chủ nghĩa anh hùng, yêu nước, cũng như kể lại các cuộc chiến tranh cách mạng với thực dân PhápMỹ... Qua đó nói lên "khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, hạnh phúc và tình yêu của nhân dân".[4] Nguồn nước ngoài nghiên cứu rằng opera do người Việt sáng tác có nội dung sử dụng "lịch sử người Việt và những câu chuyện chính trị".[17] Đa số các opera Việt Nam có cấu trúc theo mẫu hình opera cổ điển châu Âu, đó là phân chia theo lối màn, cảnh và cấu trúc số mục. Ngoại trừ vở Bông sen của Hoàng Việt được xây dựng theo lối xuyên suốt không chia thành màn và có quy mô nhỏ hơn tất cả.[4]

Mở đầu các opera là khúc mở màn của dàn nhạc, một số vở mở màn bằng đọc thơ trên nền nhạc và thêm phần hợp xướng như Cô Sao, Bên bờ K’rông Pa. Phần thanh nhạc gồm hát và hát nói. Nhiều vở thậm chí có thêm nói thường. Các tiết mục thanh nhạc sử dụng nhiều hình thức của opera châu Âu: đơn ca, hợp ca, hợp xướng. Các tiết mục đơn ca chủ yếu là aria và ca khúc, arioso, romance, ballade. Hợp ca có các tiết mục song ca là chủ yếu, ngoài ra còn có tam ca và tốp ca. Hợp xướng được dùng ở nhiều hình thức: Phân chia theo giọng người có hợp xướng nam nữ, hợp xướng nam, hợp xướng nữ. Phân chia theo bè chủ yếu có hợp xướng bốn bè, ba bè, thậm chí là hai bè.[4]

Kỹ thuật hát trong opera Việt Nam có sự khác biệt so với opera cổ điển châu Âu, chủ yếu xuất phát từ sự khác biệt ngôn ngữ, cách phát âm, cùng với những yếu tố âm nhạc dân tộc các vùng miền trên đất nước Việt Nam.[6] Phong cách bel canto cũng đã du nhập song song với sự ra đời của opera Việt Nam. Theo giảng viên thanh nhạc Trần Thị Ngọc Lan, việc đưa kỹ thuật hát của một ngôn ngữ hoàn toàn khác vào tiếng Việt (vốn là ngôn ngữ đơn âm) là một quá trình đòi hỏi "nhiều công phu, say mê và sáng tạo..."[18] Ngôn ngữ, lời ca của nhân vật vai diễn giọng nữ cao trong opera Việt Nam thường được thể hiện nét đặc trưng thông qua bối cảnh lịch sử, không gian phản ánh câu chuyện của vở kịch.[19]

Đối với phần dàn nhạc, opera Việt Nam cũng được sử dụng theo mẫu hình opera châu Âu, gồm bốn bộ nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng là dây, gỗ, đồng, gõ. Bên cạnh đó, các opera đều sử dụng thêm các nhạc cụ dân tộc. Bộ phận khí nhạc, ngoài khúc mở màn và dạo đầu các màn có nhạc đệm, nhạc nền, nhạc dẫn vào tiết mục, nhạc chen đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tình huống kịch và xây dựng hình tượng kịch.[4]

Bên cạnh các tiết mục thanh nhạc và phần viết cho dàn nhạc, các tiết mục múa cũng đôi khi xuất hiện. Trong các opera Việt Nam, các tiết mục múa chủ yếu có màu sắc dân gian như các vũ điệu Tây Nguyên trong Bên bờ K’rông Pa, múa theo điệu Xòe của dân tộc Thái trong Cô Sao.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Opera_tại_Việt_Nam https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://web.archive.org/web/20221003105919/https:/... https://www.worldcat.org/oclc/682149444 https://www.worldcat.org/title/682149444 https://www.google.com.vn/books/edition/Viet_Nam/m... https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://books.google.com.vn/books/about/Acting.htm... https://www.vnam.edu.vn/rs/Document/2015-LeThiMinh... https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/oper... https://web.archive.org/web/20230103052724/https:/...